Giờ
thì bạn đã bắt đầu học tiếng Nhật rồi. Đã chuẩn bị tâm lý là sẽ đi đường dài với
nó, đã xác định rằng con đường đó không dễ dàng, nhưng có nhiều lúc vẫn không
thể tránh khỏi cảm giác nản lòng. Có một số điều mà chúng ta nên hiểu rõ để
luôn sẵn sàng bước tiếp trên con đường gian nan này.
1. Cách
tốt nhất để giỏi tiếng Nhật là: học chăm chỉ và sử dụng nó
Điều này
nghe có vẻ hiển nhiên nhưng nhiều khi chúng ta cứ cố tin rằng có một con đường
tắt nào đó. Không đâu, hãy quên nó đi. Có thể một vài bí quyết “thần thánh”,
cùng với một chút may mắn, sẽ giúp bạn lấy được một cái bằng nào đó, nhưng như
đã đề cập ở phần 1.Những điều cần biết trước khi học tiếng Nhật, những cách học
nhanh và dễ dàng sẽ không giúp ích nhiều cho bạn về lâu dài. Sẽ chẳng có thành
quả thực sự nào nếu chúng ta không chăm chỉ, và cũng chẳng có tiến bộ nào nếu cứ
học mà không bao giờ sử dụng.
2. Học
cách nhẫn nại
Vì đã xác
định là cần dành một thời gian dài cho tiếng Nhật, nên trong quá trình học, bạn
hãy tập cho mình sự nhẫn nại, không nóng vội muốn nhìn thấy kết quả ngay lập tức.
Học ngoại ngữ đòi hỏi thời gian rèn luyện không ngừng và với một thứ tiếng khó
như tiếng Nhật thì đừng vội sốt ruột nếu bạn chưa tiến bộ được như mong muốn.
Có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn một số người xung quanh để đạt được trình
độ tương đương, nhưng cũng có những người phải mất nhiều thời gian hơn bạn. Mỗi
người có một cách học phù hợp với năng lực và thời gian của mình, hãy cứ kiên
trì với con đường của bạn. Hãy chấp nhận những tiến bộ từ từ, dần dần bạn sẽ thấy
mình khá lên thôi.
3. Bình
thường hóa những băn khoăn, lo lắng.
Nếu
trong khi học tiếng Nhật, bạn cảm thấy mình mãi vẫn không hiểu được một cấu
trúc ngữ pháp, có những từ học mãi cũng không nhớ, luôn luôn bị nhầm lẫn giữa
những cụm từ na ná như nhau, nghe người Nhật nói một hồi vẫn ù ù như vịt nghe sấm
v. v thì cũng đừng vội lo lắng quá. Sẽ có những khoảng thời gian bạn cảm thấy
sao mình chả tiến bộ gì cả, sao mình học mãi vẫn kém như vậy? Hãy chấp nhận rằng
có những điều bạn không thể hiểu ngay được một cách rõ ràng. Có những cấu trúc
gặp đi gặp lại hàng chục lần bạn mới vỡ ra cách sử dụng nó. Đừng để những băn
khoăn đó cản trở quá trình học của bạn. Sự thật là ai cũng có những thời khắc…
“hoang mang style” như thế, nhưng người thành công thì cứ mặc kệ nó và bước tiếp,
còn người thất bại thì dừng lại và bỏ cuộc.
4. Đừng
bực bội nếu có quá nhiều thứ phải học
Xem nào,
hôm qua bạn vừa mới vật vã học thuộc cả đống 自動詞 và 他動詞
(tự động từ và tha động từ), thì hôm nay lại phải học cách chia động từ thể ない, rồi thể て,
vài ngày sau lại học thể た.
Bạn vừa mới sung sướng vì đã nhớ hết động từ ở thể ます
và thể từ điển (辞書形) thì lại phải học kính ngữ với
những câu dài dằng dặc nói xoắn hết cả lưỡi và chẳng có quy luật nào hết. Bạn cảm
thấy bực mình vì sao người Nhật họ nghĩ ra lắm thứ thế không biết. Có quá nhiều
kiến thức phải nhồi nhét vào đầu và bạn gần như “muốn bùng cháy”, muốn tung
sách bút đi luôn cho rồi.
Nhưng
mà, hãy nghĩ xem, tiếng Việt cũng lằng nhằng không kém đấy. Việc nhớ và phân biệt
vô số các cặp đại từ nhân xưng trong tiếng Việt (tôi – bạn, anh/chị – em, cậu –
tớ, ông/bà – cháu, bố/mẹ – con …) cũng đủ khiến người nước ngoài muốn xỉu rồi.
Nếu bạn vào xem những video dạy tiếng Việt cho người nước ngoài sẽ thấy nhiều
bình luận kiểu như: “Trời ơi, thứ tiếng khó nhất mà tôi từng biết”, “Tôi không
thể phân biệt nổi các dấu”, “Tôi không nghĩ là mình sẽ học nổi thứ tiếng này”
v. v
Bản chất
của ngôn ngữ là phức tạp và tiếng Nhật cũng không ngoại lệ. Việc phải học nhiều
quy tắc lằng nhằng là điều hiển nhiên với mọi ngoại ngữ và hãy chấp nhận điều
đó. Thậm chí khi học lên trình độ cao hơn, bạn sẽ phát hiện ra tất cả những quy
tắc mà mình được dạy khi còn ở trình độ thấp đều … không đúng hoàn toàn và luôn
có những ngoại lệ mà chỉ còn cách học thuộc lòng mà thôi. Thôi thì vì học tiếng
Nhật quá gian nan nên có than thở một chút cũng không sao, nhưng hãy suy nghĩ
linh hoạt một chút, đừng quá bực bội mà tổn hại đến ngọc thể.
5. Luôn
đánh giá cao nỗ lực của bản thân
Hãy biết
hài lòng với từng tiến bộ của mình, vui với từng thành quả đạt được, dù là nhỏ
nhất. Hãy lấy đó làm động lực để tiếp tục. Thành quả không nhất thiết phải là
điều gì đó to tát. Một ngày đi ra đường, bạn thấy mình đọc được chữ kanji viết
trên một biển báo, phát hiện ra từ vựng mình vừa học hôm qua xuất hiện ngay
trên bảng tin ở ga tàu điện, trả lời được câu hỏi của nhân viên quầy thanh toán
khi đi siêu thị v. v … Tất cả những gì mà ngày hôm qua bạn chưa hiểu, chưa biết
hoặc chưa làm được nhưng hôm nay đã hiểu, đã biết và đã làm được, đều là những
thành quả của bản thân. Hãy trân trọng điều đó. Bạn cũng nên hạn chế so sánh
mình với người khác. Có câu nói là: “Ở bất cứ nơi đâu cũng có người giỏi hơn
ta, đáng để cho ta học hỏi”. So sánh mình với người khác cũng không làm ta giỏi
lên, nên đừng lấy họ làm áp lực cho bản thân. Chỉ cần bạn luôn nỗ lực và yêu
quý bản thân, sớm hay muộn, bạn sẽ thành công thôi.
Vậy là bạn
đã đủ vững vàng về tâm lý, đã trang bị cho mình những nhận thức và thái độ học
đúng đắn, giờ là lúc tìm cho mình một phương pháp học phù hợp. Hãy đọc phần tiếp
theo để tham khảo nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét